Tạm biệt

12h30 mình chào ba mẹ lên đường. Giây phút chia tay không dài. Mình chúc ba mẹ ở lại mạnh giỏi. Ba mẹ ôm mình chúc lên đường bình an. Mẹ bật khóc khi nhìn đứa con út của mẹ phải ra đi thêm lần nữa, 3 năm sau mới trở lại thăm gia đình.

Mình nhanh chóng vào xe và đóng cửa. Ba đứng trong garage nhìn ra, còn mẹ đứng ở cửa trước, mắt mẹ vẫn còn đỏ. Mình nổ máy xe rồi de ra đường, chạy qua những con đường ngắn trong xóm để ra đến con đường lớn. Mình quẹo trái ra đường Mesa Verde chạy về đường Harbor. Mình lái xe của anh Triều, anh rể của mình. Mình qua nhà anh để trả xe mà anh đã cho mình mượn hai tháng qua. Anh Triều sẽ lấy xe minivan để chở mình ra sân bay.

Từ nơi quẹo ra đường Mesa Verde đến đường Harbor khoảng 500 mét. Chạy được khoảng 200 mét, mình bật khóc. Nước mắt chảy thành dòng, như lúc này vậy. Mình đang ngồi ở cổng chờ lên máy bay, vừa đánh máy vừa chảy nước mắt. Người xung quanh nhìn mình thấy lạ. Một hành khách ngồi ở dãy ghế bên kia nhìn mình với anh mắt hiếu kỳ, không hiểu người thanh niên kia đang khóc vì chuyện gì. Ngừng đánh máy rồi mà vẫn chưa cầm được nước mắt. Phải lấy tay gạt liên tục, sợ nhiều người nhìn thấy ngại.

Chưa đi xa đã nhớ nhà. Không phải sợ nhớ nhà mà sợ nhà nhớ mình. Không phải nhà nhớ mình, mà ba mẹ nhớ mình. Con cái ít khi nhớ cha mẹ, chỉ có cha mẹ nhớ con cái. Càng già, càng nhớ, càng lo lắng cho con cái, càng trông được gặp con cái, được thấy con cháu đến thăm đến chơi. Mình không làm được điều đó. Chỉ thỉnh thoảng gọi điện thoại về hỏi thăm. Có lẽ mình khóc là vì thế, chỉ đến chơi để cho ba mẹ vui cũng không làm được. Mình làm truyền giáo, ở xa quá. 3 năm mới về một lần.

Sân bay Los Angeles, ngày 26.10.2009

Những giờ đồng hồ hồi hộp


Tối qua về đến nhà 3 giờ sáng, trể hơn dự định tới 4 giờ đồng hồ. Lý do là chuyến bay cuối cùng rời Lafeyette để đi Dallas bị chậm trể. Máy bay gặp vấn đễ kỹ thuật. Mình ngồi ở ga sân bay chờ mà trong lòng cứ bồn chồn vì không biết có đến Dallas kịp để bắt chuyến bay đi California hay không.

Cuối cùng thì cũng được lên máy bay khi đã gần 8 giờ tối. Nhân viên chiếc máy bay nhỏ American Eagle cho hay chuyến bay sẽ mất 1 giờ đồng hồ. Nhưng dọc đường thì phi công thông báo sẽ chậm hơn do thời tiết phải thay đổi hướng bay. Ruột đã nóng lại càng nóng hơn.

Lúc máy bay đáp xuống sân bay Dallas thì đã 9h30 tối. Mình xem lại vé thấy chuyến bay đi California của mình cất cánh lúc 9h25. Mình hy vọng nó bị chậm trể. Mình vào ga, nhìn bảng thông tin các chuyến bay thấy chuyến bay đi Orange County đang “boarding”. Trong lòng vừa mừng vừa lo. Thế là máy bay chưa cất cánh. Hy vọng mình sẽ đến kịp để được lên máy bay.

Mình kéo hành lý chạy. Trên tay có một sách nhỏ và một chiếc laptop cũ mà cha Long vừa tặng cho mình. Chạy lên cầu thang, tìm đến xe điện, chờ xe điện, đi 3 ga rồi ra, chạy xuống cầu thang hai lần. May quá, bước xuống khỏi cầu thang thì đụng ngay cổng D21, là nơi mình cần đến để lên máy bay. Thầy khách hàng còn đang xếp hàng vào cổng, mình mừng muốn chết. Thế là không bị để lại. Đây là chuyến bay cuối cùng, trể chuyến bay nay coi như là rách việc.

Mình lên máy bay ngồi. Trong bụng đói meo vì chưa được ăn tối. Lại phải chạy thể dục nữa cho nên người nóng cả lên. Trong máy bay vì lý do gì đó mà không thấy bật máy lạnh. Mình tìm đến chỗ ngồi ở hàng ghế có cửa EXIT. Chỗ này tương đối rộng rải nên thoải mái.

Trước đó mình cầu xin cho chuyến bay bị chậm trể đủ cho mình kịp lên. Không ngờ lên rồi thì ngồi đó gần 3 tiếng đồng hồ vì máy bay không rời sân bay được. Mình hỏi cô tiếp viên hàng không thì được biết đội phi công đến trể vì họ được sai đi làm công tác ở đâu đó chưa đến. Khi đã đến thì máy bay không được phép rời khỏi cổng vì lý do thời tiết xấu. Trời mưa, xấm sét nguy hiểm nên phải chờ.

Thế là giờ bay cứ bị hoãn lại dần dần. Sau đó thì phía hãng bay cho biết bây giờ đã quá giờ giới nghiêm ở sân bay John Wayne. Sân bay đã đóng cửa, máy bay không được hạ cánh ở đây. Nơi đáp sẽ được chuyển qua phi trường Los Angeles. Ai muốn liên lạc người thân ra đón thì đến Los Angeles. Nếu không thì sẽ có xe bus chở hành khách đến san bay John Wayne.

Mình quyết định gọi điện thoại cho một dịch vụ chuyên chở người của Việt Nam. Họ tới đón ở sân bay và đưa tận nhà. Họ lấy cước phí rẻ hơn taxi của Mỹ. Máy bay đáp xuống khi đã gần 1h30 sáng. Mình chờ người tới đón mất khoảng 20 phút. Cuối cùng thì về đến nhà khi đã 3h sáng.

Về đến nhà mình thấy có một dĩa bánh bột lọc trên bàn với một chén nước mắm. Mình mở ra ăn. Đang ăn thì thấy mẹ xuống lầu. Mẹ chưa ngủ, có lẽ đang chờ mình về. Mẹ làm cho mình một tô bún để ăn trước khi đi ngủ.

Bây giờ đã 10 giờ sáng. Mình sẽ rời khỏi nhà trong 3 tiếng đồng hồ nữa để lên đường. Ba năm sau mình sẽ về lại.

Costa Mesa, CA ngày 26.10.2009

Đi giảng


Mình đang ngồi chờ chuyến máy bay cuối cùng đi Dallas từ Lafeyette, LA, rồi từ Dallas bay về California. Cuối tuần qua mình đến Lafeyette để giảng lễ. Lý do đến đây là vì có một cha bạn là cha Long đang làm phó xứ ở đây. Cha chánh xứ là cha Thomas James, một linh mục đã gần 70 tuổi nhưng rất vui tính và dễ thương.

Cách đây hai tuần mình gọi cha Long hỏi thăm. Ngài hỏi: - Lúc nào trở lại Thái Lan?

- Tối 24 tháng này. - Mình trả lời.

- Sao về sớm thế. Ở lại thêm một tuần được không?

- Không biết nữa. Nhưng ở lại để làm gì?

- Thì ở lại rồi bay qua đây làm lễ. Giáo dân ở đây họ cũng tốt bụng lắm. Họ rất thương các nhà truyền giáo.

Nghe vậy, mình liền thử liên lạc với hãng máy bay thì biết rằng có thể đổi vé. Mình không cần hoản lại một tuần mà chỉ cần hoản lại hai ngày. Thay vì tối thứ bảy đi thì mình sẽ bay vào chiều thứ hai. Như vậy sẽ có giờ đi giảng ở xứ cha Long và kịp bay về lại California để lên đường.

Thế là mình thu xếp công việc, mua vé máy bay và đã đến Lafayette vào tối thứ sáu. Tối hôm qua và sáng hôm nay mình đã dâng 5 thánh lễ cho giáo dân trong giáo xứ. Mọi người tiếp đón mình thật tốt. Giáo dân ở đây dường như hoàn toàn là người Mỹ gốc Châu Phi. Họ thật vui vẻ nhiệt tình. Trong bài giảng, khi nào họ đồng ý với bất cứ điều gì mình nói là họ đều lên tiếng hoặc là gật đầu tán thành. Mình sẽ biết bài giảng của mình hay hoặc dỡ bằng cách dò nét mặt và cử chỉ của giáo dân.

Kinh nghiệm đi giảng lễ ở đây rất thoải mái vì có sự chấp thuận của cha xứ cũng như hội đồng giáo xứ. Vì thế mỗi thánh lễ có lần quyên góp thứ hai. Mình không hề phải nhắc đến tiền bạc hoặc đứng trước nhà thờ để nhận đóng góp như ở cộng đoàn Việt Nam. Bây giờ lễ đã xong, mình đang chuẩn bị lên máy bay mà mình vẫn chưa đụng được tiền. Lý do là ngay mai nhân viên giáo xứ mới đếm tiền và sau đó sẽ gởi phiếu đến cho mình.

Mặc dầu chuyến đi này đã làm cho mình phải hy sinh những ngày giờ với gia đình trước khi mình lên đường về lại Thái Lan, nhưng mình đành chấp nhận vì công việc truyền giáo của mình cần có ngân quỷ. Nếu không có tài chánh thì khó làm điều gì được.

Những ngày cuối cùng ở Mỹ thật cập rập. Tối nay về đến California thì đã khuya. Mình chỉ cầu xin làm sao không có trục trặc trong chuyến đi. Nếu chuyến bay bị hoãn hoặc có những vấn đề khác thì vô cùng rắc rối cho mình vì mọi sự đều đã được sắp đặt sát nút. Thời giờ quá eo hẹp, mình phải thực sự bình tâm mới không cảm thấy rối rắm vì quá nhiều điều phải làm.

Lafeyette, LA ngày 25.10.2009

Dì Ba

Tối nay mình đi ăn bò bảy món với ba mẹ và dì Ba. Ba mẹ là ba mẹ của mình. Còn Dì Ba không phải là Dì Ba của mình. Mình gọi Dì là Dì Ba vì khi mình còn nhỏ mình được giới thiệu đây là Dì Ba. Và khi gặp Dì mình gọi Dì là Dì Ba. Dì Ba cũng tự xưng mình là Dì Ba khi nói chuyện với mình.

Dì Ba là đạo theo, nhưng niềm tin của Dì thật sâu sắc. Trong buổi ăn, Dì kể cho mình nghe một vài kinh nghiệm đời sống của Dì. Mình chưa bao giờ được nghe những câu chuyện này. Dì nói rằng Dì đã nếm được tất cả những mùi vị trong cuộc sống. Dì đã từng bước vào một cửa tiệm bán xe hơi và kêu người ta lấy cho Dì một chiếc Mercedes thật đắt để lái. Nhưng rồi cũng có thời gian sau đó Dì phải đi lại bằng một chiếc xe chưa tới 1000 đô. Đời sống của Dì đã trải qua vô số thăng trầm – từ đỉnh cao cho tới vực thẳm. Nhưng cuối cùng, chính lời cầu nguyện đã giải thoát Dì. Dì đã lắng nghe tiếng Chúa. Và Dì đã trở nên mạnh mẽ, vững vàng. Dì đã vượg qua những đau khổ. Tiền bạc của cải không còn quan trọng đối với Dì. Dì đã gầy dựng lại sự nghiệp, nhưng đồng tiền không phải là mục đích của cuộc sống. Thiên Chúa chính là mục đích của cuộc sống của Dì.

Mặc dầu Dì rất bận rộn với công việc của Dì, nhưng Dì bỏ ra không ít thời giờ để phục vụ. Dì tham gia nhiều hội đoàn, và lao mình vào việc bác ái. Cuối tuần Dì tham gia hết sinh hoạt này đến sinh hoạt khác. Dì đã tìm được niềm vui và bình an trong việc bác ái và những sinh hoạt đạo đức. Hiện nay Dì đang giúp mình tìm ý lễ để gởi về cho các cha đang làm việc truyền giáo ở các nước để giúp cho các ngài có điều kiện làm việc trên những cánh đồng truyền giáo. Dì làm việc thật hăng say. Mình không ngờ Dì có nhiều sức lực đến thế. Dì hăng say vì Dì làm việc cho Chúa và Dì thực sự thương các cha và các seour.

Dì chỉ kể một vài chuyện tiêu biểu trong đời sống của Dì mà đã làm cho mình thực sự khâm phục Dì. Mình bảo Dì nên viết sách để trở nên nhân chứng cho Chúa. Dì nói Dì không có thời giờ. Mình bảo Dì nên tìm một ai đó có thể ngồi nghe Dì kể chuyện rồi viết lại thành sách. Hiện nay Dì không viết sách nhưng Dì đi chia sẻ thật nhiều. Câu chuyện của Dì làm ai cũng cảm động. Mình nghe cũng rất cảm động. Ước gì mình được nghe nhiều hơn nữa. Lâu nay mình đã quý Dì vì thấy Dì thật đạo đức; nay mình nghe Dì kể chuyện mình lại càng trân trọng Dì hơn. Rất tiếc mình chỉ bắt đầu được nghe khi đây là lần cuối mình được gặp Dì trước khi lên đường về Thái.

Costa Mesa, CA ngày 22.10.2009

Chuẩn bị lên đường


Thế là những ngày nghỉ ngơi thăm gia đình, gặp gỡ các anh em trong dòng, bà con, bạn bè, và “quyên góp” cho mục vụ truyền giáo cũng sắp sửa chấm dứt. Bây giờ cái công việc vất vả là chuẩn bị hành lý bắt đầu. Sáng nay mình đưa vào vali 100 cái áo thun để làm quà cho giáo dân tại Thái Lan. Ngoài ra còn những món quà khác mua để cho các em thiếu nhi, các em mồ côi, và các bệnh nhân trong TT HIV/AIDS.

Những cuộc thăm viếng và gọi điện thoại người thân để chia tay cũng đã chính thức bắt đầu. Rất tiếc mình không có một thời gian thuận tiện để cho bố mẹ và anh chị tụ tập lại để chia tay. Lý do là vì ngày thứ sáu, mình sẽ bay đi Louisiana để làm lễ ở một giáo xứ của dòng Ngôi Lời. Tối Chúa Nhật về đến California thì đã khuya, mà chuyến bay đi Thái Lan từ LAX thì lại vào giờ chiều. Đành phải toại nguyện với những lời chia tay anh chị và các cháu qua điện thoại vậy.

Bây giờ đã là ngày thứ năm. Mình nghĩ lui nghĩ tới trong đầu xem có cần gì không? Nhưng không biết mình cần gì, thiếu gì. Chắc chắn sẽ có những thứ đồ mình cần mà lại quên mua, hoặc làm biếng đi mua. Cuối cùng qua Thái Lan lại tiếc. Chỉ có một thứ mình mua rất đầy đủ, đó là underwear. Không ở nơi nào underwear tốt như ở Mỹ. Phải đi ra nước ngoài rồi mới cảm nhận được điều đó.

Một điều mình đã cảm nhận được trong chuyến về thăm nhà lần này là mình được gia đình, anh em trong dòng, và bạn bè quan tâm rất nhiều. Họ thật tận tình đối với mình và thương mình. Có nhiều người đã dành tình cảm cho mình chỉ vì biết mình qua một thánh lễ, một lần gặp gỡ, một bài chia sẻ Lời Chúa. Đi làm truyền giáo xa mình phải hy sinh rất nhiều. Nhưng những gì mình cho đi mình nhận lại được thật dồi dào.

Costa Mesa, CA ngày 22.10.2009

Nở mủi

Những ngày thăm Đại Chủng Viện Ngôi Lời đã kết thúc. Chiều qua, sau thánh lễ Khánh Nhật Truyền Giáo và International Food Festival mình đã lên đường đi Chicago để thăm Thần học viện. Mình đã có những ngày thật vui và có ý nghĩa tại ĐCV.

Cao điểm của chuyến đi này là mình được chủ tế và giảng trong thánh lễ mừng Khánh Nhật Truyền Giáo. Sau lễ mình đã nhận được nhiều lời khen từ những quan khách cũng như những anh em trong dòng và các seour. Các seour thì trầm trồ bảo sao cha nói tiếng Anh lưu loát thế. Nhiều người nhận xét bài giảng của mình gọn gàng, thực tế, và liên quan đến mọi thành phần hiện diện trong thánh lễ.

Cuối lễ, cha Mike, viện trưởng lên cám ơn và nói rằng hôm nay cha cảm thấy được giải thoát vì đã có những lần trong thánh lễ, vị linh mục được mời đến giảng đã làm mọi người chán ngất vì bài giảng quá dài và thiếu chất lượng. Cách đây vài năm có một cha người Châu Phi đã "quất" một bài giảng 50 phút làm bà con ai cũng ngồi ê ẩm cả người. Nhưng hôm nay mình đã giúp cho cha quên đi phần nào những ký ức không tốt đó vì mình đã có một bài giảng xúc tích và phù hợp với tinh thần của ngày lễ. Hôm qua hình như mủi của mình đã mọc ra khoảng nửa mét vì những lời khen tặng nhận được.

Mình thật cảm ơn Chúa là mình đã làm tốt trong thánh lễ, vì đây là lần đầu tiên mình trở lại Mỹ trên cương vị là một nhà truyền giáo. Mình thực sự muốn chia sẻ với những người anh em trong dòng, giáo dân, và đặc biệt là những bạn trẻ đang theo học trong ĐCV một lý tưởng truyền giáo, và một tầm nhìn dựa theo những gì mình đã cảm nhận được trong kinh nghiệm truyền giáo của mình.

Hôm nay mình ở thần học viện, là ngôi nhà của mình trong suốt 4 năm học thần học. Gặp lại nhiều khuôn mặt thân quen, từ các cha đến các thầy, mình có cảm giác như về lại nhà cũ. Ở đây không có nhiều thay đổi. Các anh em vẫn nấu cho nhau ăn. Hôm nay, cha Stan là bề trên nhà nấu cho cộng đoàn của cha. Ở THV bây giờ có ba cộng đoàn nhỏ.

Tối nay mình đi đến nhà của Pháp, một thành viên trong ca đoàn Seraphim ở giáo xứ St. Henry. Mình từng tham gia ca đoàn này trong những năm còn ở Chicago. Rồi ngày mai sẽ lên đường về lại Chicago. Mỗi nơi mình chỉ đi được một ít như thế. Thời giờ eo hẹp, nhưng cũng tranh thủ đi vì tình cảm mà mình dành cho những người mình đã từng quen biết và có những mối quan hệ gần gũi.

Chicago, ngày 19.10.2009

Khánh nhật truyền giáo tại Ngôi Lời



Tối qua trong nhà bếp của đại chủng viện Ngôi Lời có tới gần 50 người gồm cả các cha, các seour, các thầy, và các chủng sinh hợp tác nấu ăn. Nhóm thì chiên gà, nhóm làm nem nướng, nhóm làm vệ sinh, rửa bát. Đặc biệt nhất là nhóm làm bánh bột lọc do một seour gốc miền Trung khởi xướng. Từ khâu nhồi bột, cho đến lăn bột, rồi bắt bánh, Cha Khiên đếm có cả thảy 24 người tham gia làm.

Không khí trong nhà bếp quả thực có một không hai. Tiếng nói tiếng cười làm cả căn phòng náo nhiệt hẳn lên. Có người không có vai trò gì trong việc nấu ăn, chỉ thấy người ta nấu vui quá nên cũng vào xem để pha trò cười. Có người thì vừa nấu vừa ăn. Còn có người thì tuyên bố rằng họ có vai trò phải thử các món ăn xem đạt tiêu chuẩn chưa.

Một số bạn đến thăm ĐCV trong chương trình come and see cũng bắt tay vào làm chung với các thầy các seour. Bạn Mai Học đến từ Ohio mãi nấu ăn mà xém quên phải đi tham dự buổi chia sẽ dành cho các bạn đến tìm hiểu ơn gọi.

Khoảng 11 giờ thì mọi người mới ra khỏi bếp. Sau đó thì cuộc "ăn chơi" bắt đầu khi một số thầy chuẩn bị mồi để anh em cùng ngồi lại trò chuyện với nhau dưới phòng lounge. Còn có anh em đến từ nhà tập, và những anh em từng học tại đây nhưng đã xuất, nay lại về thăm trong dịp lễ.

ĐCV Ngôi Lời từ xưa đến nay đã có truyền thống như thế. Anh em rất hòa đồng và luôn biết tận dụng những cơ hội để tạo niềm vui cho nhau. Vì thế mà các bạn đến thăm trường lần này đã có một ấn tượng rất lớn. Trong buổi chia sẻ mà mình được mời đến tham dự để chia sẻ kinh nghiệm của mình, một bạn trẻ đã rất cảm động. Bạn ấy nói rằng, mặc dầu bạn chơi football ở trường, và những người trong đội rất thân với nhau, nhưng khi đến đây mới thực sự chứng kiến sự thân tình và chia sẻ. Không khí mọi người như anh em trong một gia đình thấy rất rõ rệt. Bạn sẽ điền đơn xin vào trường ngay trong mùa tới!

Một bạn khác nói trước khi đến cứ nghĩ là mình sẽ không gặp được ai để nói chuyện vì bạn vốn có tính rụt rè. Ở trường bạn thường phải tìm bạn chứ ít ai đến để nói chuyện hoặc mời làm cái gì. Thế mà khi đến đây thì luôn có người đến bắt tay, hỏi han, chỉ dẫn và mời tham gia sinh hoạt. Mọi sự thật khác với những gì bạn trải qua bên ngoài.

Trở lại ĐCV lần này, chứng kiến ĐCV vẫn còn sức sống, và được làm quen với những anh em lớp sau, mình cũng cảm thấy phấn khởi hơn. Thế hệ sau này không giống như những người trong các lớp đàn anh trước đây. Nhưng mỗi thế hệ, mỗi lớp đều có những đặc tính riêng biệt. Chỉ có một điều không bao giờ thay đổi là cho dù lớp nào đi nữa thì lúc nào ở đây cũng có một tính chất rất "Ngôi Lời" mà không thể tìm thấy ở những nơi khác.

Epworth, IA. ngày 18.10.2009

Đường xưa lối cũ


Mình trở lại thăm Đại Chủng Viện Ngôi Lời tại Epworth, IA từ ngày thứ tư. Cha Bình đến Chicago chiều thứ ba và cả hai anh em cùng lái xe đi Epworth vào sáng hôm sau. Chuyến đi đến ĐCV có nhiều mục đích - thăm viếng các cha thầy ở đây, thăm và làm quen với các chủng sinh đang theo học tại ĐCV cũng như gặp gỡ những người khác đến học. Hiện nay ở ĐCV có gần 40 nữ tu đến học từ Việt Nam cũng như một số linh mục và tu sĩ. Gần hai năm qua nhà dòng đã đón nhận và hỗ trợ cho các tu sĩ và linh mục đến từ Việt Nam có cơ hội học Anh ngữ cũng như bằng cử nhân văn hóa tại ĐCV.


Lần này trở lại ĐCV thấy có một không khí rất khác. Có lẽ vì sự hiện diện của những tà áo đen của các seour trong những tu phục hoặc của các thầy dòng Xi-tô làm cho nơi này trở nên "thánh thiện" hơn. Người ta nói chiếc áo không làm nên thầy tu, và từ lâu các tu sĩ dòng Ngôi Lời tại Hoa Kỳ đã dứt bỏ với tu phục, nhưng bây giờ nhìn thấy các tu sĩ trong những tu phục hiện diện tại ĐCV cũng gợi lên một cảm giác đặc biệt lạ thường.


Tối thứ tư mình có một buổi nói chuyện về mục vụ truyền giáo của mình tại Thái Lan. Nhiều người tỏ ra thích thú và ấn tượng với những công việc mình đang thực hiện và những câu chuyện mà mình kể cho họ nghe. Nhiều người thắc mắc tại sao mình làm cha mà nhìn còn trẻ quá. Ở ĐCV ở đây có cha Khả, cùng lớp với mình nhưng tuổi đả ngoài 50. Trước khi mình đến các seour nghe nói mình cùng lớp với cha Khả nên ai cũng hình dung mình già hơn. Các seour không hiểu tại vì mình may mắn không phải trải qua ba chìm bảy nỗi như cha Khả cho nên đi tu và chịu chức khi còn tương đối trẻ.


Gặp lại các anh em SVD lần này mình cảm thấy vui. Lâu lắm mới được gặp nhau nên dĩ nhiên ai cũng tay bắt mặt mừng, thân tình và ân cần. Các ânh em SVD Việt Nam ngồi lại với nhau để trò chuyện nhiều điều.


Mình cũng tận dụng cơ hội để gặp gỡ và làm quen với các anh em chủng sinh. Thời buổi bây giờ tìm ra một ơn gọi không đơn giản. Mình muốn khuyến khích các em để chúng nó phấn đấu và kiên nhẫn hơn trong việc học tập cũng như tìm hiểu ơn gọi.


Trở lại ĐCV như trở lại một ngôi nhà ấm áp. Tình anh em và bằng hữu tràn ngập. Hy vọng rằng với những dự án mới của nhà dòng, ĐCV sẽ tiếp tục mở cửa, cho dù trong thời buổi ơn gọi bị suy giảm để nơi này luôn là nơi huấn luyện những nhà truyền giáo tương lai cũng như phục vụ Giáo hội bằng những cách mới lạ và thú vị.


Epworth, IA, ngày 16.10.2009

Đóa sen giữa bùn lầy


Hôm qua hai có hai vợ chồng đến nhà thăm mình. Mình nói chuyện với họ khoảng 1 giờ đồng hồ, nói chuyện rất thân tình và chia sẻ nhiều điều. Đây là lần đầu tiên mình gặp họ. Mình biết được họ qua T. một thanh niên tại Việt Nam. T. T. là bạn của con trai của hai vợ chồng này, tên Tr. Tr. mới vừa qua đời tại Việt Nam do căn bệnh AIDS, mà nguyên do là vì Tr. chơi ma túy. Trước khi Tr chết, T. là người giúp cho Tr cai nghiện. Bỏ ma túy được không lâu là Tr qua đời vì căn bệnh AIDS đã đến giai đoạn cuối.

Mẹ Tr. ở Mỹ đã về Việt Nam trong thời gian con mình bệnh nặng để chăm sóc và ở bên cạnh con. Bà chỉ mới phát hiện ra con mình bị AIDS gần đây. Trước đây Tr. không tiết lộ cho gia đình biết bệnh tình của mình vì sợ mọi người buồn. Sau khi lo chuyện đám tang xong, mẹ Tr. trở lại Hoa Kỳ.

T. là một người bạn rất tốt, đã đồng hành với Tr. trong suốt thời gian cuối anh ta. Khi T. đang giúp cho Tr. cai tại huyện Tân Thành, T. có gọi điện thoại cho mình ở Thái Lan, nhờ mình nói vài lời khích lệ tinh thần của Tr. Với sự giúp đỡ của T., Tr. cũng đã có đủ nghị lức để cai, nhưng không dùng xì ke thì cơn đau lại chịu không nỗi.

T. đưa cho mình số điện thoại của mẹ Tr. tại Mỹ, nhờ mình gọi điện thoại để an ủi bà. Mình gọi tới, nói muốn tới thăm. Bà nói để bà đến nhà mình được rồi, bà không muốn mình phải đến nhà bà.

Hôm qua hai vợ chồng đến gặp mình. Cả buổi gặp nhau chỉ nói chuyện về hoàn cảnh của Tr. Mẹ của Tr. rất xúc động, nhiều lần nói chuyện trong nước mắt đau thương của một người mẹ đã mất đi người con trai mà bà yêu thương.

Nhưng trong nỗi đau của bà, bà cũng nhận ra rất nhiều hồng an mà con của mình đã nhận được trong nhũng ngày tháng cuối đời của nó. Bà kể các cha thầy, bà con, bạn bè rất thương Tr. Nó chơi ma túy nhưng không làm hại ai, không ăn cắp ăn trộm nên ít ai giận hờn nó. Đám tang của một người chết vì AIDS mà lại có rất nhiều người đến tham dự không chỉ trong nhà thờ mà còn nơi hỏa táng nữa.

Sau khi Tr. bỏ ma túy nó đã đi gặp hết mọi người để xin lỗi, ngay cả những người không giận hờn gì với nó. Nó đã đi hành hương mẹ Tapao và đã tự nó leo lên núi để cầu nguyện trước tượng Mẹ. Nó đã khấn với Mẹ rằng nó sẵn sàng lãnh nhận hết tất cả căn bệnh của người thân trên mình nó để họ khỏi phải bệnh tật. Và trước khi chết Tr. đã lãnh nhận các bí tích, đã chuẩn bị linh hồn để rời khỏi trần thế. Tr. đã ra đi trong bình an, bên cạnh bạn bè, người thân, và gia đình. Tr. đã không có một cái chết cô độc đau khổ mà nhiều người mắc bệnh AIDS đã phải trải qua trong cuộc sống của mình.

Bây giờ T. không còn giúp Tr. nữa, lại đi giúp những người khác. T. là một thanh niên rất rộng lượng và thương người. Nhìn bên ngoài T. hơi có tướng côn đồ. Từng ở tù, từng bán xì ke, hình xâm khắc đầy người. Nhưng T. lại có một tâm hồn rất sâu sắc và một tấm lòng biết thương người. T. là một hình ảnh cho chúng ta thấy rằng giữa bao nhiêu bùn lầy vẫn có những đóa sen tinh trắng thơm tho mọc lên và làm cho ta thấy cuộc đời còn thật nhiều hy vọng.

Costa Mesa, CA ngày 8.10.2009

Những ngày bên người thân

Thời gian trôi qua thật nhanh. Mới đâu đó mà cũng đã gần hai tháng từ ngày mình về lại Hoa Kỳ để thăm gia đình. Bây giờ mình lại phải đang tính đến việc thu xếp đồ đạc và mua quà cáp để về lại Thái Lan. Tuần tới mình sẽ đi Chicao 8 ngày, rồi trở lại California để ‘thu dọn chiến trường.’

Tối nay mình đi ra ngoài ăn buffet với bố mẹ. Bố thích đi ăn buffet Mỹ vì bố hạp với khẩu vị thức ăn Tây. Bố không thích ăn phở, cá, hoặc những thức ăn thuần túy Việt Nam. Trong nhà thì mỗi lần kéo nhau đi ăn thì lại chỉ thích đi những nơi Á Châu. Mình cũng thích ăn thức ăn Á Châu hơn thức ăn Tây, nhưng nói chung là mình ăn gì cũng được. Nên tối nay mình đi ăn thức ăn Tây với bố và mẹ. Bố nói ở đó bố ăn được nhiều hơn những nhà hàng Á Châu.

Nhà mình bây giờ chỉ còn ba người, những người khác đã lập gia đình rồi nên đi ở riêng. Mình về đây nghĩ ngơi chỉ có bố mẹ. Mình không thấy buồn. Mình thích bỏ ra thì giờ nói chuyện và xem TV với bố mẹ. Mình muốn nói những điều làm cho bố mẹ vui, đặc biệt là bố vì bố tuổi đã già. Bố năm nay đã 74 tuổi. Nếu mình không làm cho bố vui lúc nay thì chưa chắc mình sẽ có nhiều cơ hội để làm bố vui trong những lúc khác.

Mà mình thấy bố mẹ thương mình lắm, luôn lo lắng cho mình. Bố thấy mình thích uống nước V8 nên đi Cosco mua nguyên một thùng về cho mình uống. Bố mẹ đều biết mình không thích ăn những thức ăn dầu mở hoặc ngọt. Mỗi sáng mẹ pha cà phê cho mình uống. Trong ngày thì làm sinh tố trái cây.

Thời gian qua ở một số nơi mình đi dâng Thánh Lễ bố mẹ cũng đi theo, và còn đưa ra một số góp ý để giúp mình giảng tốt hơn. Mẹ nói mình nhiều khi nói nhanh quá nên bị vấp. Mẹ bảo mình phải nói chậm rải để có thời giờ suy nghĩ.

Vừa rồi mình dâng lễ cho một hội đoàn mà bố mẹ tham gia. Mình đã soạn một bài giảng kỹ lưỡng. Sau lễ ai cũng khen, mình biết bố mẹ rất hãnh diện. Hôm qua mình cũng đến tham dự sinh hoạt của hội Phan Sinh, mà bố mẹ cũng có tham dự. Mình không có làm chủ tế trong Thánh Lễ, nhưng mình có chia sẻ trước lễ về công việc truyền giáo của mình. Sau lễ các đoàn viên có ủng hộ cho mình một số tiền. Bà thủ quỷ nói với mẹ mình: - Chúa làm việc đấy. Hôm nay chúng ta quyên góp được nhiều nhất từ trước đến nay.

Mình cũng không ngờ có những tình cảm dành cho mình thật tốt đẹp. Có lẻ họ thương hại mình vì thấy còn trẻ mà phải làm truyền giáo xa. Có lẽ họ cũng nễ một phần nào vì họ biết cả bố mẹ ruột và bố mẹ đỡ đầu của mình đều là các thành viên của hội đoàn. Dù dao đi nữa số tiền mà hội tặng cho mình sẽ rất bổ ích cho công việc truyền giáo của mình tại Thái Lan.

Trong những tuần qua mình đã đi một số nơi để chia sẻ về việc truyền giáo và nhận ủng hộ từ các giáo dân. Mình có rất nhiều cảm nhận về kinh nghiệm này. Khi nào tiện mình sẽ viết về những cảm nhận từ kinh nghiệm này, một kinh nghiệm đã cho mình nhiều bài học rất hay.

Costa Mesa, ngày 5.10.2009